Sáng kiến kinh nghiệm của nhà trường

Thứ sáu - 02/10/2015 09:52
Sáng kiến kinh nghiệm của nhà trường. Cùng với các thầy cô giáo trong trường, cùng bắt tay nghiên cứu các sáng kiến và các phát minh khá thú vị cho học sinh trong trường tiểu học Bến Súc xem.
Nhằm tạo sự tò mò ham mê công nghệ đối với học sinh trong trường.
...
Sáng kiến kinh nghiệm của nhà trường
CHƯƠNG I
A/ ĐẶT VẤN ĐỀ:
1/ SỰ CẦN THIẾT TIẾN HÀNH ĐỀ TÀI:
Như chúng ta đã biết, ngày nay, việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng đang trở thành một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Sở dĩ như vậy là do nhân loại đang đứng trước hàng loạt nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người mà nguyên nhân của nó chính là vấn đề khai thác, sử dụng nguồn năng lượng truyền thống (năng lượng hoá thạch) đang ngày một cạn kiệt, nạn ô nhiễm môi trường và sự nóng lên của khí hậu trái đất do chất thải trong quá trình sử dụng năng lượng đang ở mức báo động.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề năng lượng đối với sự phát triển bền vững, các quốc gia đã xây dựng cho mình một chương trình phát triển năng lượng mà trọng tâm là hướng tới nguồn năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Và đó cũng là vấn đề được nêu ra tại hội thảo về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 26/8/ 2009 ở TP.HCM.
1Trong Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công thương dự báo, đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của VN sẽ trở nên khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt. Trong khi đó, tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải của nước ta hiện nay là rất lớn.
Cũng như các nước đang phát triển khác, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới...
Ví dụ: Để sản xuất một tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 - 13,02 triệu Kcl, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcl; luyện thép từ phế liệu ở nước ta cần 2,82 triệu Kcl, thế giới cần 2 triệu Kcl...
Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam, theo tính toán là cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần. Như vậy, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần các nước nêu trên.
Từ đó, vấn đề tiết kiệm năng lượng trở nên đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang và sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) hầu như chưa được khai thác hết tiềm năng sử dụng thì các nguồn năng lượng không tái tạo (dầu thô, than đá...) đang cạn kiệt dần.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết."Việt Nam sẽ trở thành nước phải nhập khẩu than đá, khoảng 80 - 100 triệu tấn vào năm 2020 để chạy các nhà máy nhiệt điện".
Vì lẽ đó, ngày nay vấn đề tiết kiệm năng lượng đã trở thành mối quan tâm của mọi quốc gia trên thế giới. Hầu hết các nguồn năng lượng mà con người đang sử dụng đều có nguồn gốc từ năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt, ...  và chúng không phải là vô tận. Ở Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia với tốc độ khai thác và sử dụng như hiện nay, trữ lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt trong vòng 60 đến 80 năm sau. Riêng về dầu mỏ, nếu không tìm được mỏ mới thì chỉ 20 năm sau sẽ hết.
        Thêm vào đó, con người đang đứng trước những mối hiểm họa đang lan rộng như hiện nay: các loại khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao; sự nóng lên của trái đất khiến băng tan, nước biển dâng;
 
2

 
Hàng triệu hecta rừng mất đi do mở rộng diện tích sản xuất, khai thác gỗ bừa bãi;
 
3

 
Những khu vực rừng bị tàn phá trên diện rộng…
4

 Nạn cháy rừng
5

      
và tầng ôzôn bị phá hủy bởi khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, chất dẻo, cao su xốp và các sản phẩm ga đã gây hiểm hoạ khôn lường cho tài nguyên.
 
6

 
Tất cả những điều đó đã làm năng lượng tự nhiên trong tài nguyên thiên nhiên của chúng ta bị tiêu hao lãng phí.
            Như vậy, với các vấn đề nêu trên cho thấy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả năng lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên trong hôm nay là đảm bảo cho thế hệ mai sau có sự phát triển bền vững.
Nhận thức được điều này, Việt Nam đã cùng thế giới triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang  pháp lý căn bản cho việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trước thách thức về cạn kiệt nguồn năng lượng, vấn đề tiết kiệm năng lượng vừa là việc cấp thiết vừa là chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cho sự phát triển bền vững nền kinh tế của quốc gia. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về chiến lược hệ trọng này.
Thực hiện chủ trương đó, ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”
Chương trình được triển khai theo hai giai đoạn:
  • Giai đoạn I   (2006 - 2010)
  • Giai đoạn II (2011 - 2015).
 Đặc biệt, Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Khoá XII có hiệu lực từ 1/1/2011, việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn để từng bước đưa Luật vào cuộc sống là một trong những trọng tâm của công tác tuyên truyền trong giai đoạn II.
Và một trong các nội dung quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là đưa các nội dung về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó một hoạt động trọng tâm là xây dựng nội dung, giáo trình, phương pháp giảng dạy lồng ghép các kiến thức về sử dung năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học, phù hợp với từng cấp học từ tiểu học đến phổ thông trung học.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo  đã xác định việc tích hợp giáo dục sự dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học  ở các cấp học là một nhiệm vụ hết sức quan trong và cần thiết.
B/ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ XÁC ĐỊNH TÊN ĐỀ TÀI
Là một thành viên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là người quản lý một cơ quan giáo dục với những trách nhiệm thực hiện những kế hoạch giáo dục, những  đề án của chương trình mục tiêu Quốc gia trong đó có đề án về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” theo Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đưa các nội dung về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống Giáo dục quốc dân thông qua việc giảng dạy lồng ghép các kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học từ tiểu học đến THPT.
Và tôi cũng biết rằng ở nước ta, năm học 2011 -2012 có gần 15.000 trường tiểu học với khoảng 7 triệu học sinh tiểu học và trên 360.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên thì việc đưa các nội dung về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường tiểu học tức là trang bị cho giáo viên, học sinh những kiến thức tối thiều về năng lượng và vai trò của năng lượng trong đời sống. Đồng nghĩa với việc thực hiện tốt việc tuyên truyền về giáo dục  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng làm cho gần 10 % dân số đang độ tuổi đi học hiểu biết về các vấn đề về năng lượng và sử dụng năng lượng như thế nào là tiết kiệm, hiệu quả.
Trước những yêu cầu cấp thiết trên, với trách nhiệm là người làm công tác giáo dục chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu để tự trau dồi kiến thức cho bản thân và cùng nhau tích cực nghiên cứu bài dạy chuyển tải những nội dung về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm thông qua những bài học trong chương trình, cũng như những hoạt động thực tiễn trong đời sống. Qua thời gian gần gũi gắn bó vận động các em biết tiết kiệm khi sử dụng năng lượng điện, nước, chất đốt, biết tận dụng sức gió, sức nóng mặt trời trong sinh hoạt… biết tiết kiệm khi sử dụng các đồ dùng học tập hàng ngày v..v.. Và từ đó chúng tôi cũng góp nhặt được một số kinh nghiệm, những tích luỹ được rút ra từ thực tiễn giáo dục.
Với đề tài “ Giáo dục học sinh biết sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như thế nào cho nhẹ nhàng và đúng mục tiêu” tôi mong muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp phần nào cách thức giáo dục học sinh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thông qua dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học cũng như các hoạt động giáo dục khác.
C/ Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu:
- Mục đích nghiên cứu:
  • Tự bổ sung kiến thức cho bản thân trong quá trình nghiên cứu.
  • Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường thành hành động.
  • Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo về “Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
  • Tìm những phương pháp giáo dục gọn nhẹ cho học sinh để lĩnh hội kiến thức và biết vận dụng vào cuộc sống , tạo thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Vận dụng những giải pháp nhằm góp phần giáo dục học sinh cùng cộng đồng tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
  • Giúp trẻ biết sống có trách nhiệm với môi trường, biết quan tâm đến các nguồn năng lượng trong tự nhiên. Thể hiện ý thức, hiểu biết của mình bằng những hành vi phù hợp với lứa tuổi.
  • Giúp trẻ phát triển tư duy, sống hoà nhập và thân thiện với thiên nhiên, biết khám phá những điều mới mẻ của thế giới xung quanh.
  • Đối tượng nghiên cứu:
  • Chương trình bậc tiểu học và học sinh lứa tuổi tiểu học.
CHƯƠNG II
NỘI DUNG
A/ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1/ Thuận lợi :
- Môi trường giáo dục ở đơn vị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất.
- Chương trình giáo dục có nội dung, mục đích giáo dục lồng ghép theo các chủ đề cụ thể. Giáo viên được linh hoạt phương pháp triển khai, chuyển tải nội dung bài học đến học sinh sau cho phù hợp với điểu kiện của nhà trường và đúng mục tiêu bài học.
- Đa số học sinh ngoan, tập trung trong giờ học.
- Có nhiều gia đình chăm sóc con  chu đáo quan tâm đến việc học của con.
- Trong chương trình có tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, tiết sinh hoạt Đội để cho giáo viên và các em sinh hoạt.
- Giáo viên là người địa phương. Đa số giáo viên đều có kinh nghiệm giảng dạy, chịu đầu tư nghiên cứu, tận tâm với học sinh.
- Cán bộ quản lý: Có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, có trình độ nghiệp vụ, nhiệt tình công tác, gắn bó với tập thể.
2/ Khó khăn:
- Học sinh: Do tâm lý lứa tuổi nên các em hiểu, biết trong một thời điểm nhất định rồi sau đó lại quên nếu không được theo dõi nhắc nhở.
- Nhà trường: Thiếu các phương tiện nghe nhìn để ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
- Gia đình:
- Đa số học sinh là con của công nhân. Cha mẹ đi làm từ hai ba giờ sáng đến chiều mới về ít có thời gian gần gũi các em. Phó mặc việc học của con em mình cho nhà trường, ở nhà ít có điều kiện theo dõi, uốn nắn, nhắc nhở các em.
- Do áp lực công việc ngoài xã hội, trong gia đình và mới chỉ quan tâm đến nhu cầu vật chất ( hoặc chưa đáp ứng đủ về nhu cầu vật chất ), chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu về
hình thành những thói quen tốt theo những kiến thức các em được học.
- Thiếu sự kiểm soát về việc học tập, sinh hoạt.
- Thiếu sự gần gũi, tâm tình với các em mà thường rầy la, đánh mắng. Thiếu sự khuyên nhủ, chỉ bảo ân cần và bị hạn chế hiểu biết về các biện pháp giáo dục phù hợp.
Xã hội:
- Xã hội với nhịp sống vội vã, nhận thức chưa triệt để và đồng bộ để thực hiện tốt việc bảo quản nguồn năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
B/ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
I. Tìm hiểu khái niệm về năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Khái niệm năng lượng, các loại năng lượng
1.1. Năng lượng là gì ?
- Năng lượng được định nghĩa là năng lực làm vật thể hoạt động.
- Năng lượng là dạng vật chất có khả năng sinh công bao gồm nguồn năng lượng sơ cấp: than, dầu, khí đốt và nguồn năng lượng thứ cấp: nhiệt năng, điện năng được sinh ra thông qua quá trình chuyển hoá năng lượng.
+ Năng lượng sơ cấp: Tạm hiểu là nguồn năng lượng "thô" có sẵn ngoài thiên nhiên (than, dầu, khí đốt…), muốn sử dụng cần qua một giai đoạn gọi là chuyển hoá năng lượng để trở thành điện năng, nhiệt năng, công năng…
+ Năng lượng thứ cấp: Là những năng lượng được sinh ra trong quá trình chuyển hoá những năng lượng thô như nêu trên.
1.2 Các loại năng lượng được sử dụng trong sản xuất và đời sống
  • Phân loại theo nguồn gốc vật chất của năng lượng
- Năng lượng vật chất chuyển hoá toàn phần
Đây là dạng năng lượng mà nhiên liệu sản sinh ra nó không có khả năng tái sinh và mất đi vĩnh viễn. Thành phần chủ yếu của nhóm năng lượng này là các dạng nhiên liệu hoá thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên). Các loại nhiên liệu này được hình thành thông qua sự hoá thạch của động, thực vật trong một thời gian rất dài, tính tới hàng triệu năm.
- Năng lượng thay thế (hay năng lượng tái tạo)
Năng lượng thay thế là năng  lượng thu được từ những nguồn ngoài 3 dạng nhiên liệu hoá thạch đã đề cập ở trên, đó là: năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng nước…
+ Năng lượng hạt nhân
+Năng lượng mặt trời
+ Năng lượng nước
+ Năng lượng sức gió.
+ Năng lượng địa nhiệt
+ Năng lượng thuỷ triều
+ Năng lượng sinh khối
  • Phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường
- Năng lượng sạch:
Năng lượng sạch là những năng  lượng không gây ô nhiễm môi trường. Có thể kể ra những loại năng lượng sạch: năng lượng nguyên tử, năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió, năng lượng thuỷ triều, năng lượng sức nước…
- Năng lượng gây ô nhiễm môi trường:
Năng lượng gây ô nhiễm môi trường là loại năng lượng khi sử dụng sẽ có những tác động xấu đối với môi trường: các dạng năng lượng hoá thạch, năng lượng lòng đất.
2. Vai trò của năng lượng ; việc sử dụng năng lượng và vấn đề môi trường; xu hướng sử dụng năng lượng.
2.1/ Vai trò của năng lượng.
- Đảm bảo các hoạt động cho sinh hoạt, sản xuất, hoạt động dịch vụ.
- Năng lượng cần cho sự sống của con người.
- Năng lượng là thành tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất.
    2.2/ Tình hình khai thác năng lượng và ảnh hưởng đối với môi trường
        - Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên năng lượng do sự khai thác không hợp lí: cạn kiệt các nguồn tài nguyên năng lượng hoá thạch, gỗ, củi…
       - Sự ô nhiễm môi trường do khí thải của việc sử dụng một số loại năng lượng có thể gây ô nhiễm.
       - Sự biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường
   2.3/ Xu hướng sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng hiện nay:
            Đẩy mạnh việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là những năng lượng sạch đối với môi trường.
2.4/ Năng lượng có ở đâu? Năng lượng có ở khắp nơi, biến đổi từ dạng này sang dạng khác khi có bất kỳ một sự kiện nào xảy ra.
3/ Khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
- Sử dụng tiết kiệm: Sử dụng hợp lí, giảm hao phí năng lượng trong quá trình sử dụng.
- Sử dụng hiệu quả: Đảm bảo thực hiện được các hoạt động cần thiết với mức tiêu phí năng lượng thấp nhất.
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sử dụng năng lượng một cách hợp lí, nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết cho các quá trình sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt.
4/ Sự cần thiết phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng
Do nguồn năng lượng truyền thống (năng lượng hoá thạch) ngày càng cạn kiệt.
Do ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của việc sử dụng các nguồn năng lượng phục vụ đời sống con người.
II. Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường tiểu học
1. Thế nào là giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một quá trình (thông qua các hoạt động giáo dục) hình thành, phát triển ở người học sự hiểu biết, kĩ năng, giá trị và quan tâm tới những vấn đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
2. Mục đích của giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường tiểu học:
            - Trang bị cho các em kiến thức tối thiểu về năng lượng và vai trò của năng lượng trong đời sống.
- Cho các em thấy được sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên hóa thạch trên toàn cầu, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường của con người để giảm họa thiên tai, ý thức được tầm quan trọng của việc  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do đó từng người phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Trang bị cho các em kiến thức khoa học về những biện pháp thông thường để sử dụng một cách tiết kiệm các nguồn năng lượng hiện có, từ đó các em có thể tuyên truyền, giải thích, phổ biến cho người khác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời bản thân học sinh gương mẫu thực hiện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (điện, nước,…) trong gia đình và nơi công cộng.
3. Mục tiêu giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở trường tiểu học
 - Về kiến thức:
+ Giúp cho học sinh có sự hiểu biết ban đầu về năng lượng và lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng với cuộc sống.
+ Một số biện pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng ở lớp, trường học, ở gia đình và cộng đồng.
- Về thái độ, tình cảm:
+ Biết quý trọng, có ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng
+ Có thái độ thân thiện với môi trường sống
- Về kĩ năng- hành vi:
+ Tham gia các hoạt động chống lãng phí, tiết kiệm năng lượng.
+ Biết thực hiện các hành động sử dụng đúng cách nguồn năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
III/ Nội dung giáo dục  dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở trường tiểu học
- Nội dung giáo dục  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục với kiến thức, phương pháp, hình thức phù hợp với nhận thức của học sinh tiểu học:
+ Khái niệm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
+ Kĩ năng  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cuộc sống
+ Hình thành, phát triển  hành vi
IV/  Hình thức, phương pháp đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trường tiểu học
1. Hình thức tích hợp
- Có 3 mức độ tích hợp với nội dung bài học:
+ Toàn phần: Khi mục tiêu, nội dung của bài học phù hợp hoàn toàn với mục tiêu, nội dung của giáo dục.
+ Bộ phận: Khi chỉ có một bộ phận bài học có mục tiêu, nội dung phù hợp với giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Liên hệ: Khi mục tiêu, nội dung của bài có điều kiện liên hệ một cách phù hợp với nội dung giáo.
Ngoài ra để giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhà trường tiểu học, cần tăng cường vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới các hình thức như sinh hoạt nhóm, tổ chức trò chơi, xử lý tình huống ….
2. Phương pháp tích hợp dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
 
- Đưa giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành một nội dung của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp:
+ Lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ, sinh hoạt tập thể …trong nhà trường
+ Tham quan thực tế các cơ sở sử  dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
- Xây dựng trường học sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Thực hiện Chương trình giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Giáo viên và học sinh có ý thức, hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
3/ Một số ví dụ về phương pháp tích hợp trong các môn học:
- Bài “Cắt, dán và trang trí ngôi nhà” (Môn Thủ công lớp 1).
Mục tiêu của bài học là học sinh biết cách cắt, dán và trang trí ngôi nhà; cắt, dán và trang trí được ngôi nhà.
Để đạt mục tiêu trên,  giáo viên tổ chức  3 hoạt động chủ yếu:
+ Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh quan sát và nhận xét mẫu ngôi nhà đã cắt, dán và trang trí.
Trong hoạt động này, học sinh phải quan sát và nhận biết được ngôi nhà có những bộ phận nào? Hình dáng và màu sắc các bộ phận của ngôi nhà ra sao
+ Hoạt động 2 : Hướng dẫn thao tác mẫu
Ở hoạt động này, giáo viên hướng dẫn học sinh cách cắt, dán và trang trí để làm được ngôi nhà.
+ Hoạt động 3: Hướng dẫn học sinh thực hành cắt, dán, trang trí ngôi nhà
- Từ các hoạt động của bài học Thủ công, giáo viên có thể lồng ghép giáo dục tiết kiệm năng lượng ngay trong hoạt động 1. Học sinh biết rằng, một ngôi nhà có những cửa sổ, cửa ra vào không những làm cho nhà có đủ ánh sáng, không khí trong nhà thoáng mát, mà còn tiết kiệm được năng lượng điện sử dụng chiếu sáng, làm mát như  đèn điện, quạt điện, máy điều hòa không khí.
- Khi tổ chức hoạt động 2 và 3, giáo viên có thể lồng ghép giáo dục tiết kiệm năng lượng khi hướng dẫn học sinh trang trí ngôi nhà. Giáo viên hướng dẫn học sinh trang trí thêm mặt trời và gắn thiết bị thu năng lượng mặt trời thay thế cho việc sử dụng điện năng trong sinh hoạt.
- Bài “ Gấp cái quạt”, sau khi học sinh đã làm được cái quạt bằng giấy, giáo viên cho học sinh sử dụng quạt để tạo gió. Từ đó, từ đo giáo viên liên hệ với việc dùng sức gió để tiết kiệm năng lượng điện.
- Các  bài học gấp cắt, dán biển báo giao thông ( lớp 2), có thể tích hợp  giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm nhiên liệu khi xe chạy; chấp hành luật lệ giao thông, chống ùn tắc là tiết kiệm năng lượng xăng dầu của các phương tiện giao thông trên đường phố.
- Bài: Tích cực  tham  gia việc  lớp,  việc trường  ( lớp 3)
Tích hợp giáo dục học sinh:  Các việc lớp, việc trường có liên quan tới giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
+  Bảo  vệ,  sử  dụng  nguồn  điện  của  lớp,  của trường một  cách hợp  lí  ( Sử dụng quạt, đèn điện, các thiết bị dạy học có sử dụng điện hợp lý, hiệu quả,...)
+ Tận dụng các nguồn chiếu sáng  tự nhiên,  tạo sự  thoáng  mát,  trong  lành  của  môi  trường  lớp  học, trường học, giảm thiểu sử dụng điện trong học tập, sinh hoạt.
+  Bảo  vệ,  sử  dụng  nước  sạch  của  lớp,  của trường một  cách  hợp  lí,... cho nguồn nước  uống,  giữ vệ sinh nước  sinh  hoạt,...
+  Thực  hành  và  biết  nhắc  nhở  các  bạn  cùng tham gia sử dụng năng  lượng  tiết kiệm và hiệu quả ở lớp, trường và gia đình . 
- Các bài lắp ghép mô hình xe ( lớp 4, 5)  có thể tích hợp giáo dục học sinh việc tiết kiệm xăng, dầu, ga bằng việc gắn thêm trên phía đầu xe tấm pin mặt trời để sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.
- Các bài học lắp ghép mô hình tự chọn, học sinh chọn lắp cối xay gió, giáo viên có thể tích hợp giáo dục cho học sinh biết rằng: sử dụng sức gió sẽ tiết kiệm điện năng.
- Các bài học của chủ đề nấu ăn, có thể tích hợp giáo dục cho học sinh biết: khi cơm đã cạn, cần nhỏ lửa để cơm không bị cháy mà còn tiết kiệm củi, ga trong quá trình nấu ăn.
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Tổ chức các hoạt động theo chủ đề môn học gắn với giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
- Hoạt động: Trò chơi đóng vai tuyên truyền viên nhỏ về các đề tài:
+ Tiết kiệm giấy  (khi sử dụng vở, sau khi học các bài học Thủ công)
+ Tiết kiệm vải  (sau khi học các bài học khâu, thêu)
+ Tiết kiệm củi, ga (sau khi học các bài học nấu ăn)
+ Tiết kiệm xăng, dầu chạy xe (sau khi học các bài học Lắp ghép mô hình xe).
- Có thể tổ chức cho học sinh viết những bài văn nêu cảm nghĩ  hoặc vẽ về đề tài tiết kiệm năng lượng nêu trên. Những bài viết hay, có thể đọc tại buổi lễ chào cờ, tại giờ phát thanh của trường...
4/ Các nguyên tắc tích hợp
- Nguyên tắc 1: Tích hợp nhưng không làm thay đổi đặc trưng của môn học.
- Nguyên tắc 2 : Khai thác nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có chọn lọc, có tính tập trung vào bài nhất định, không tràn lan tuỳ tiện.
- Nguyên tắc 3 : Phát huy cao độ các hoạt động tích cực nhận thức của học sinh và kinh nghiệm thực tế của các em .
 
5/ Phương pháp
- Nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tích hợp trong nội dung môn học. Vì vậy các phương pháp giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chính là các phương pháp dạy học bộ môn.
- Dưới đây đề cập đến một số phương pháp để giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt hiệu quả:
+ Phương pháp tham quan, khảo sát thực tế để tìm hiểu về các dạng năng lượng       ( Xem tranh ảnh)
+ Năng lượng hạt nhân là một loại công nghệ hạt nhân được thiết kế để tách năng lượng hữu ích từ hạt nhân nguyên tử thông qua các lò phản ứng hạt nhân có kiểm soát.
Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nền công nghiệp khai thác dầu khí …. Trong y khoa ứng dụng để chẩn đoán và điều trị bằng cách xạ trị cho bệnh nhân ung thư gan, khớp…v..v..
7

Giới thiệu cho các em biết những lợi ít từ các nguồn năng lượng xanh
Năng lượng tái tạo – là dạng năng lượng mà nguồn nhiên liệu của nó liên tục được tái sinh từ những quá trình tự nhiên. Mặt trời là một nguồn cung cấp sức nóng, ánh sáng, gió…, gần như vô tận cho trái đất chúng ta. Hơi ấm từ lòng đất, nước chảy trên bề mặt quả địa cầu…, tất cả là một nguồn nhiên liệu vô cùng tận đang chờ con người sử dụng thích hợp để phục vụ cho đời sống về lâu dài.
+Năng lượng mặt trời .
Mô hình điện mặt trời dùng cho hộ gia đình
8

Ưu điểm của hệ điện mặt trời ở ngôi nhà là chủ động được nguồn điện, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.
Ứng dụng trong thắp sáng, đun nước…
9
+ Năng lượng nước
 
+ Năng lượng sức gió.
Năng lượng gió đã được sử dụng từ hằng trăm năm nay. Con người đã dùng năng lượng gió để di chuyển thuyền buồm hay khinh khí cầu, ngoài ra năng lượng gió còn được sử dụng để tạo công cơ học nhờ vào các cối xay gió.
- Đặc Điểm của Năng Lượng Gió:
                + Chi phí vận hành rẻ: vì dùng torbin để tạo ra điện năng nên ít hư hỏng, có gió là có điện.
                + Độ bền cao: Tuổi thọ rất cao vì dùng turbin dianamo để tạo ra điện. Và phần kết cấu cơ học đơn giản không dao động mạnh.
                + Thời lượng để tạo ra điện năng từ gió là quanh năm và suốt cả ngày, công suất thu được năng lượng lớn.
10
 
11

+ Năng lượng sinh khối
Sinh khối bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp. Sinh khối cũng bao gồm cả những vật chất được xem nhưng chất thải từ các xã hội con người như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn nước uống, bùn/nước cống, phân bón, sản phẩm phụ gia ( làm nên khí Biogas)
 
12

Sinh khối còn có thể được xem như một dạng tích trữ năng lượng Mặt Trời. Năng lượng từ Mặt Trời được "giữ" lại bởi cây cối qua quá trình quang hợp trong giai đoạn phát triển của chúng. Năng lượng sinh khối được xem là năng lượng tái tạo vì nó được bổ sung nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bổ sung của năng lượng hóa thạch vốn đòi hỏi hàng triệu năm.
+ Năng lượng địa nhiệt
Là loại năng lượng lấy từ nguồn “địa nhiệt” tự nhiên trong lòng trái đất. Năng lượng địa nhiệt đã được loài người sử dụng từ lâu. Địa nhiệt là dạng năng  lượng tự nhiên sản sinh ra  từ lòng đất và giải
phóng  ra  ngoài  nhờ  hoạt  động  của  các  núi  lửa,  suối  nước  nóng  hay  giếng  phun.
Nước được hâm nóng  tự nhiên có  thể được sử dụng để  làm nóng các  toà nhà,  làm quay tua bin trong nhà máy nhiệt điện.
 (Ví dụ như Suối nước nóng ) Trong tương lai các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sử dụng địa nhiệt để sản xuất điện.
+ Năng lượng thuỷ triều
Năng lượng thủy triều hay điện thủy triều là lượng điện thu được từ năng lượng chứa trong khối nước chuyển động do thủy triều tạo nên.
Việc ứng dụng dòng thuỷ triều lên, xuống để quay cánh quạt chạy máy phát điện  tiềm  ẩn một nguồn năng  lượng  vô  tận. Đây  cũng  là nguồn năng  lượng  sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
 

Hệ thống năng lượng thuỷ triều
 
+ Phương pháp hoạt động thực tiễn kết hợp với kĩ năng sống.
- Tiết kiệm: Cần được giáo dục cho trẻ từ nhỏ
Giáo dục để tạo thói quen, nếp nghĩ tiết kiệm thì tốt nhất là ngay từ nhỏ. Đứng dậy ra khỏi phòng: tắt hết đèn, quạt máy; mở nước xài xong: khóa lại kỹ, không để nước rò rỉ gây lãng phí; ăn uống: lấy thức ăn vừa đủ không bỏ thức ăn thừa… không bỏ phí từng tờ giấy dư, dạy trẻ  xong một năm học, tập còn dư giấy trắng thì rọc ra đóng lại làm tập nháp hoặc tập ghi chú lời thầy cô giảng. Sử dụng phấn viết đến từng mẫu nhỏ. Sử dụng giấy viết hết từ đầu trang đến cuối trang.
Khi các em biết tiết kiệm thức ăn, tập vở, đồ dùng học tập… tự dưng hình thành luôn thói quen tiết kiệm điện, nước.
Đồng thời giáo viên phải thể hiện tính tiết kiệm từ cách xài phấn đến việc chấm vở  học sinh. Thường xuyên nhắc nhở các em từng chi tiết nhỏ để giúp các em điều chỉnh hành vi.
Thực tế chất lượng giáo dục nằm trong trí tuệ, nhân cách, khả năng truyền đạt của giáo viên, khả năng tiếp thu của HS… và nằm ở những hành vi, thái độ cư xử  của giáo viên trong thời gian lên lớp và cả ngoài cuộc sống đời thường nữa.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt:
+ Phương pháp khai thác kinh nghiệm thực tế: giáo dục các em điều chỉnh 1 số thói quen sử dụng năng lượng chưa hợp lý để tiết kiệm trong sinh hoạt đời sống hằng ngày phù hợp với khả năng nhận thức của các em như:
- Tắt đèn quạt khi không có người ở trong phòng.
- Vặn nhỏ vòi nước đủ dùng khi sử dụng.
- Tận dụng ánh sáng tự nhiên, không khí mát tự nhiên. (Mở các cửa để nhận ánh sáng và gió).
- Không mở cửa tủ lạnh quá lâu.
- Tắt tivi khi không xem, khi ngủ.
- Làm khô quần áo bằng sức nóng của mặt trời để tiết kiệm điện khi ủi đồ...
+ Phương pháp nêu gương
+ Phương pháp thảo luận
+ Phương pháp trò chơi…
+ Những bài tập tình huống
Ví dụ: Về bài tập tình huống
Ba và mẹ đi làm về thì thấy 2 anh em Tùng và Tâm đang tranh cãi gay gắt…
- Ông Nam đã hỏi Tùng: Tại sao lại hằn học với anh ? Nói cho ba nghe !
Tùng sẽ nói cho Ba về lý do em không hài lòng về anh của mình!
Tùng nói với ba những gì?
- Tùng tiếc tập giấy nháp của mình vì Tâm đã xé làm mồi nhúm lửa vì theo em tập giấy nháp vẫn sử dụng được vào việc học tập: Gấp hình, làm thủ công….không phải tốn tiền của ba mẹ….
- Ông Nam nói: Ba rất đồng tình với con….con của ba rất ngoan.
Ông Lộc nói với Tâm những gì ?
- Đồng tình với Tùng về việc sử dụng giấp nháp, nhắc nhở Tâm cũng phải biết tiết kiệm như Tùng để có được thói quen tốt và không được tự ý lấy đồ của người khác sử dụng theo ý riêng của mình. .
Em Tùng vui vì anh Tâm đã hiểu ý  của mình và 2 anh em lại vui vẻ.         
 
 
KẾT LUẬN
 
A/ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
1/ Trong chương trình giáo dục ở cấp học:
Giáo dục sử dụng năng  lượng  tiết kiệm và hiệu quả  là một giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Nó  là một quá  trình lâu dài, phải được thực hiện trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong cộng đồng. Trường học là nơi tập trung nguồn nhân lực cơ bản, rộng lớn cho tương lai, là môi  trường giáo dục  tốt nhất  cho mọi nội  dung  theo chương  trình,  hệ thống giáo dục nghiêm  ngặt với mọi hình  thức đa dạng. Trường  học  là nơi  tạo  nguồn tuyên  truyền viên phong phú, hiệu quả cho  cộng đồng. Mỗi học  sinh được giáo dục sử dụng năng  lượng  tiết kiệm và hiệu quả cũng có nghĩa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đến được với mỗi gia đình. Trường tiểu học là nơi chúng ta có thể gửi thông điệp sử dụng tốt nhất đến thiếu niên.
a/ Giáo dục bằng chương trình học:
- Khái niệm đơn giản về năng lượng, nguồn năng lượng.
- Vai trò của năng lượng, ý nghĩ của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cuộc sống, mối quan hệ giữa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường.
- Một số biện pháp giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và vai trò của học sinh tiểu học; những quy định của nhà trường, địa phương về  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường.
- Các nội dung của giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được lồng ghép theo các chủ đề và do giáo viên thiết kế phù hợp với điều kiện của nhà trường.     
b/ Giáo dục ý thức
Giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho việc đào tạo trẻ em trở thành công dân tốt cho đất nước. Ở lứa tuổi đang phát triển và định hình về nhân cách, học sinh  tiểu học dễ  tiếp  thu những giá  trị mới. Đội ngũ học sinh tiểu học nếu được giáo dục tốt sẽ là  lực lượng hùng mạnh nhất trong hoạt động giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả , bảo vệ môi trường và phát  triển xã hội. Việc đưa giáo dục sử dụng năng  lượng  tiết kiệm và hiệu quả vào cấp tiểu học giúp cho các em học sinh có ý thức tiết kiệm năng lượng ngay từ năm tháng đầu tiên của giai đoạn hình thành nhân cách và những thói quen tốt.
- Nâng cao nhận thức và mở rộng hiểu biết về năng lượng; mối quan hệ giữa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường cho học sinh…
- Xác định trách nhiệm của học sinh trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả   ( ở gia đình, lớp học, công cộng...)
- Góp phần hình thành và phát triển tình cảm yêu quí, gần gũi, thân thiện với thiên nhiên và môi trường xung quanh…quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường.
- Biết thực hiện nếp sống ngăn nắp, vệ sinh và có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Tham gia vào các hoạt động  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi….
2/ Trong chương trình mục tiêu quốc gia:
- Việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn để từng bước đưa Luật vào cuộc sống là một trong những trọng tâm của chương trình. Với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục như:
+ Đưa nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các cấp học.
+ Tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong gia đình, trường học, cộng đồng..
+ Xây dựng nhà trường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Xây dựng các văn bản pháp qui về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Lựa chọn cơ cấu kinh tế cho hiệu quả cao về sử dụng năng  lượng; phát triển hợp lí các ngành tiêu thụ nhiều năng  lượng.
+ Có chính sách ưu tiên đối với việc phát triển các nguồn năng  lượng mới và nguồn năng  lượng tái sinh.
+ Hợp lí hoá quá trình sản xuất.
- Các biện pháp kĩ thuật .
+ Giảm tổn thất trong quá trình vận chuyển năng  lượng.
+ Giảm tổn thất trong quá trình sử dụng năng  lượng.
+ Sử dụng các thiết bị điều khiển tự động để giảm tiêu thụ năng  lượng.
+ Đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất máy móc, tăng cường sử dụng thiết bị có hiệu quả sử dụng năng  lượng cao.
+ Thu hồi năng  lượng thải từ các quá trình sản xuất, sinh hoạt và tái sử dụng.
+ Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới thay thế năng  lượng hoá thạch.
+ Tính tự nguyện và sự nghiêm túc thực hiện các qui định hướng dẫn.
3/ Học tập kinh nghiệm từ những quốc gia khác:
Vì đây là một chương trình mang tính toàn cầu nên chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ các nước trên thế giới hy vọng sẽ là bài học bổ ích cho Việt Nam.
-  Kinh nghiệm từ Nhật Bản:
+ Một cơ sở pháp lý vững chắc và các chính sách bảo tồn năng lượng linh hoạt.
+ Quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và nỗ lực hợp tác tích cực của công chúng.
+ Tăng cường phát triển công nghệ cao, coi trọng quảng bá và giáo dục về tiết kiệm năng lượng.
Người Nhật vốn nổi tiếng về tính kỷ luật và ý thức tự giác và Chính phủ Nhật đã biết phát huy tối đa lợi thế này trong công tác bảo tồn năng lượng. Các chiến dịch vận động và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng rất đa dạng và linh hoạt được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, ví dụ như phát động ngày bảo tồn năng lượng, tháng bảo tồn năng lượng, hội chợ triển lãm, chương trình lái xe sinh thái khuyến khích tắt động cơ khi xe dừng lại ở đèn đỏ, … Một nhân tố quan trọng khác quyết định sự thành công của công tác bảo tồn năng lượng ở Nhật Bản chính là các đột phá tư duy trong công nghệ và sự quảng bá, giáo dục về tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, tiết kiệm còn luôn được xem là vấn đề đạo đức trong giới chức chính phủ cũng như trong toàn dân. Tính tự nguyện và sự nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định từ Chính phủ của toàn xã hội Nhật Bản đã góp phần giúp quốc đảo này trở thành quốc gia đạt hiệu quả hàng đầu trên thế giới trong công tác bảo tồn năng lượng. Đây cũng chính là những bài học lớn dành cho những nước đang phát triển nói chung và đặc biệt cho Việt Nam nói riêng khi hướng đến các mục tiêu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Kinh nghiệm từ Hàn Quốc:
Nhằm đối phó với giá dầu leo thang, Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch hạn chế giao thông theo phương pháp chẵn - lẻ, dựa theo số giấy phép lái xe và ngày tháng trên lịch để giảm bớt lượng xe công chức lưu thông trên đường.
Thủ tướng Hàn Quốc, Han Seung-soo, cho hay 30% xe công sẽ dần không xuất hiện trên đường phố, 50% khác - tương ứng với 15.000 xe - sẽ được thay thế bởi các loại xe nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
 
 
- Kinh nghiệm CHLB Đức - Xây dựng nền kinh tế “năng lượng xanh"
CHLB Đức là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Lộ trình thực hiện kế hoạch xanh của Đức có nhiều giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Cụ thể, đến năm 2020, dự kiến 30% lượng điện tiêu thụ của Đức có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Trong đó, năng lượng gió sẽ đóng góp nhiều nhất (15%), năng lượng sinh học 8%, thủy năng 4%. Năm 2030, nước Đức sẽ có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo khoảng 20 năm nữa, một “mạng lưới thông minh” kết nối với toàn bộ mạng lưới điện châu Âu sẽ được thiết lập.
 
Một nhân tố quan trọng khác quyết định sự thành công của công tác bảo tồn năng lượng ở Nhật Bản chính là các đột phá tư duy trong công nghệ và sự quảng bá, giáo dục về tiết kiệm năng lượng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Thông báo
Văn bản PGD

702/SGDĐT-GDTrHTX

Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.

Ngày ban hành: 02/04/2024

KH số 37/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 21/06/2024. Trích yếu: Tuyển sinh MN

Ngày ban hành: 21/06/2024

QĐ số 66/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS

Ngày ban hành: 12/06/2024

QĐ số 65/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: công nhận BDTX MN

Ngày ban hành: 12/06/2024

CV số 112/PGDĐT-GDTH

Ngày ban hành: 03/06/2024. Trích yếu: Tổ chức giữ trẻ ...

Ngày ban hành: 03/06/2024

Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay353
  • Tháng hiện tại18,445
  • Tổng lượt truy cập2,784,559
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây